From my Y360!, 17/3/2007
"Tất cả mọi con đường đều dẫn đến La Mã."
Chào các bạn !
Xin tự giới thiệu, tôi là Đào Trọng Khang, sinh ra và lớn lên trong một gia đinh giáo viên tại phường An Biên, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng. Trong hai cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của không quân Mỹ vào cuối những năm 1960 và đầu 1970, tôi đã đi sơ tán tới các xã ngoại thành Hải Phòng và có dịp biết đến cuộc sống ở làng quê Việt Nam. Đó thực sự là những kỷ niệm không thể nào quên: tình cảm của bà con ngoại thành dành cho nhân dân thành phố đi sơ tán, những buổi chiều đi nhặt lá bạch đàn rụng dọc các bờ kênh mang về làm chất đốt cho mẹ nấu cơm, những lúc ngồi câu cá bên bờ ao khu tập thể nhà trường, những đêm có báo động máy bay Mỹ đến ném bom, nhìn về hướng thành phố lòng tràn đầy hồi hộp…
Lên cấp ba, tôi được tuyển vào Khối chuyên toán Đại học sư phạm I Hà Nội, Khoá 10. Nếu tính về khoá đại học thì tôi tương đương với K23 Đại học Bách khoa Hà Nội. Nói ‘tương đương” là vì tuy thi khoa Vô tuyến điện ĐHBK nhưng sau đó tôi được cử đi học đại học tại Tiệp Khắc (cũ) và năm 1985 mới tốt nghiệp (vì mất 2 năm học ngoại ngữ). Lớp chuyên toán của chúng tôi có bạn bè từ nhiều tỉnh: nhiều nhất là Nam Định, Thái Bình, sau đó là Hà Nội, Hà Bắc, Hà Tây và cuối cùng là Hải Phòng, Hải Dương.
Trước khi lên đường sang Tiệp Khắc học đại học, chúng tôi, 28 anh em lớp TK4, cũng như gần 800 lưu học sinh khác, đã có một năm học tiếng tại Đại học ngoại ngữ, Thanh Xuân, Hà Nội. Hồi đó tuyến tàu điện Bờ Hồ - Hà Đông còn chạy qua trường; hai bên con đường chạy vào trường còn là ruộng mênh mông (khu Thanh Xuân Bắc còn đang san nền; tại nơi bây giờ là khu Thanh Xuân Nam thì khi đó vẫn còn là ruộng nước và trận địa pháo). Tại Đại học ngoại ngữ, tôi đã có thêm nhiều bạn bè từ các tỉnh khác nữa như Cao Bằng, Nghệ An.
Tháng 12/1986, tôi được nhận vào làm giáo viên tại Khoa Cơ khí trường Đại học Hàng hải Việt Nam. Viết đến đây, tôi chợt nghĩ đến cụm từ “Đơn xin việc”. Vâng, chính tay tôi đã viết không dưới một lá đơn như thế (phải “nắn nót” hết cỡ, may mà tôi có một đốt “hoa tay”). Nhưng tại sao lại là “xin” nhỉ? Ngày xưa, cơ chế “xin - cho” đã đành, chứ bây giờ, sang cơ chế thị trường rồi, có cụm từ nào hợp lý hơn không? Cho đến nay, tôi vẫn dịch “Application Form” là “Mẫu xin việc”…Cách dịch phụ thuộc vào tư duy con người trong một bối cảnh xã hội nhất định. Thôi, tạm gác chủ đề “xin” sang một bên đã vậy.
Tám năm làm giáo viên đại học, đối với tôi là một giai đoạn lịch sử! Tôi được phân công giảng môn Kỹ thuật nhiệt. Đó là một môn kỹ thuật cơ sở mà sinh viên các ngành chế tạo máy và các ngành liên quan đến máy móc “phải” học. Đây cũng là một môn khó vì có nhiều công thức, kể cả các công thức thực nghiệm. Tôi đã giảng môn này cho sinh viên ngành Máy tàu biển, Máy xếp dỡ và cả ngành Kinh tế vận tải biển. Tôi đã có 3 năm làm chủ nhiệm lớp Máy tàu 27. Có dịp tiếp xúc nhiều với các em sinh viên, đến tận bây giờ, tôi có thể nói rằng, tôi rất có cảm tình với lớp sinh viên. Chả gì…tôi cũng có 3 năm ở Đại học sư phạm, 1 năm ở Đại học ngoại ngữ, 6 năm là sinh viên ở Tiệp Khắc (1 năm học tiếng và 5 năm học đại học kỹ thuật) và 8 năm ở Đại học hàng hải, vị chi là 18 năm! Đối với tôi, các em sinh viên là quá khứ của tôi (khi tôi nhìn lại đời sinh viên của mình), cũng là hiện tại và tương lai (từ góc độ kinh doanh của Công ty chúng tôi – tư vấn quản trị nhân lực). Nếu các bạn đọc kỹ Company profile (Giới thiệu về doanh nghiệp) của Công ty chúng tôi, các bạn sẽ nhận thấy sinh viên là một đối tác trong đó.
27/3/07
Bây giờ tôi sẽ kể cho các bạn nghe về việc tôi học tiếng Anh như thế nào. Hồi phổ thông, tôi học tiếng Nga vì khi đó Liên Xô được gọi là “thành trì của chủ nghĩa xã hội” và tiếng Nga được sử dụng rộng rãi trong các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN). Đó là khi tôi là sinh viên năm thứ nhất Khoa Máy, Trường đại học kỹ thuật Slovakia tại Bratislava. (Bratislava là thủ đô của nước CHXHCN Slovakia thuộc Liên bang CHXHCN Tiệp Khắc – cũ). Anh văn khi đó chỉ là môn phụ với 2 tiết/tuần. Là sinh viên nước ngoài nên tôi đáng ra được miễn học ngoại ngữ. Tuy nhiên, cùng khoá lưu học sinh với tôi, mấy anh bạn người Việt Nam lại rất chăm học tiếng Anh. Có lẽ vì bị lôi cuốn bởi bạn bè nên tôi cũng đầu tư khá nhiều thời gian vào học ngoại ngữ này. Tại Slovakia khi đó, sách học ngoại ngữ đã khá chất lượng. Tôi mua một cuốn Tiếng Anh dành cho người tự học. Trong sách dạy cách phát âm rất kỹ càng. Thực ra tôi cũng có khiếu học ngoại ngữ; một phần có thể do di truyền, vì bố tôi cũng thạo tiếng Pháp, tiếng Trung, ông ngoại tôi là viên chức Sở fi-năng (Sở tài chính) thời thuộc Pháp. Tôi còn nhớ mỗi khi bố tôi sang thăm ông ngoại, tôi thấy hai người nói tiếng Pháp xì-xồ với nhau!
Cô giáo dạy tiếng Anh của chúng tôi là người Slovakia. Cô đậm người và cá tính khá mạnh. Tôi còn nhớ, có lần dịch từ tiếng Anh sang tiếng Slovakia, các bạn người sở tại không ai chịu dịch; riêng tôi xung phong và cuối cùng cô “mắng” các bạn, đại ý là “thật là xấu hổ khi phải để một người nước ngoài dịch cho các bạn”. Cô và các bạn đâu có biết, cuốn sách Tiếng Anh dành cho người tự học, có 30 bài thì tôi đã lên lịch rất chặt chẽ, mỗi tuần phải học một bài vào kỷ nghỉ cuối tuần (khi đó Tiệp Khắc đã chỉ làm việc 5 ngày /tuần). Vậy là..no weekend!
Hồi đó, sách ngoại khoá tiếng Anh không nhiều. Tôi còn nhớ, tôi đã tự tay chép các bài hát của nhóm The Beatles, mượn từ các bạn Việt Nam yêu ca nhạc, vào sổ tay. Sau nhóm The Beatles là nhóm ABBA và The Boney...Lời bài hát tiếng Anh lúc đó hơi hiếm - chỉ có thể chép lại từ đĩa “xịn”, mà đĩa xịn thì đắt tiền; anh chàng nào ‘chịu chơi” lắm mới sắm đài đĩa, không như đĩa nhạc ở ta thời kỳ sao in lậu “vô tư”!
Vậy đó, 5 năm đại học, kiến thức tiếng Anh của tôi chỉ dùng để hát chơi với bạn bè…
Năm 1986, tôi được nhận vào làm giáo viên trường Đại học hàng hải. Cũng không rõ vì động lực gì mà tôi đi học tiếng Anh tiếp. Về chính trị thì khi đó tôi rất lơ mơ, đâu có nhận thức được đó là giai đoạn mà đất nước bắt đầu bước vào thời kỳ Đổi mới. Khi đó, có việc làm đã là may lắm rồi. Lương kỹ sư tập sự của tôi trong hai năm đầu là 275 đồng (75% của lương kỹ sư khởi điểm – 290đ). Thực ra, chắc tôi được ảnh hưởng của hai ông cậu em mẹ tôi mà nhà tôi gọi là chú cho thân mật. Hai chú cũng rất chăm học tiếng Anh. Thế là tôi làm thí sinh tự do đi thi lấy bằng A. PASS! Vậy đó…kiến thức tiếng Anh của tôi suốt 5 năm ở Slovakia ít ra cũng là trình độ A!!! Hồi đó học tiếng Anh mỗi chương trình B, C phải mất hai năm. Tuy nhiên, Trung tâm ngoại ngữ Hải Phòng có chương trình B nhanh và C nhanh, tốc độ gấp đôi. Tôi theo học chương trình này và sau hai năm thì có bằng C. Tôi đem ép plastic chứng chỉ này, ít ra cũng có cái báo cáo với Khoa về trình độ ngoại ngữ của minh!
Thế rồi…do nhu cầu cuộc sống, tôi xin đi dạy tiếng Anh để có thêm thu nhập. Nhưng những nơi chính quy, cho dù quen biết, người ta đều bảo phải có bằng đại học về tiếng Anh. Thế là, tôi bắt đầu làm “gia sư”, thực ra là dạy thêm tại ngay nhà mình. Học viên là 4-5 người quen, là thanh niên. Bạn nào đã làm gia sư rồi thì biết. Chất lượng giảng dạy của tôi không thua kém bất cứ bạn gia sư nào. Cũng nhờ làm gia sư mà tôi có dịp ôn luyện lại kiến thức của mình một cách kỹ càng! Và...”cay cú” vì không được nhận dạy tại Trung tâm, tôi quyết định theo học chương trình D tiếng Anh, do Trung tâm ngoại ngữ Hải Phòng và trường Đại học sư phạm ngoại ngữ Hà Nội cùng tổ chức. Các thày cô khi đó đi tàu hoả từ Hà Nội về Hải Phòng dạy vào cuối tuần. Tôi còn nhớ Khoa tại chức khi đó có thày Phúc, thày Thanh, thày Quang (thày rất đẹp trai) dạy thực hành tiếng…Lớp chúng tôi là K8G. Được một thời gian, anh lớp trưởng cũ (tôi nhớ tên anh là Thanh) không học nữa và tôi được Trung tâm cử làm Monitor. Đến nay tôi vẫn áy náy là mình chưa tổ chức họp lại lớp sau hơn 11 năm tốt nghiệp. Tôi dự định sẽ liên lạc lại với các bạn.
Vậy đó. Tôi cố gắng lấy bằng cử nhân về tiếng Anh chỉ vì một lý do đơn giản là để có thể đi dạy thêm tiếng Anh, cải thiện đời sống. Hồi đó, giáo viên Đại học hàng hải có một số được xuống tàu viễn dương, đi cải thiện. Còn tôi thì không có cơ hội,vì ở Khoa cơ khí, mà lại là Kỹ sư máy và thiết bị năng lượng nhiệt và hạt nhân, chứ không phải Kỹ sư máy tàu biển. À, mà gần đây, được biết là nhà máy điện nguyên tử đầu tiên của nước ta, độ 20 năm nữa mới đi vào hoạt động, có nguy cơ không có đủ nhân lực để vận hành (vì cần đến khoảng 2000 kỹ sư và công nhân lành nghề mà tiến độ đào tạo sẽ không kịp), tôi lại “mủi lòng” - tấm bằng Kỹ sư máy và thiết bị năng lượng nhiệt và hạt nhân, bằng đỏ hẳn hoi, của tôi đang thực sự bị “xếp xó”.
Câu chuyện học tiếng Anh của tôi vậy là hơi dài dòng. Sau đó tôi cũng có dịp tham gia một vài lớp tiếng Anh thực hành có giáo viên nước ngoài giảng tại trường Đại học hàng hải. Và rồi tôi đã có dịp ‘thể hiện”. Tôi đã được tuyển vào làm Trợ lý văn phòng của một dự án của tổ chức Save the Children UK tại Hải Phòng. Tất nhiên, ngoài tư cách đạo đức và năng lực của tôi, cũng phải nói đến vai trò người giới thiệu, một người bạn đã có ảnh hưởng rất lớn đến Giám đốc dự án. Bây giờ, nghĩ lại, tôi thấy điều này vẫn đúng lắm: có tài là một chuyện, nhưng quan trọng là phải có người tiến cử! Mà “vạn sự khởi đầu nan”: Từ văn phòng dự án Quỹ nhi đồng Anh tại phố Nguyễn Tri Phương, Hải Phòng, (do dự án kế thúc) tôi bước sang bên kia đường và ứng tuyển vào vị trí Trợ lý phòng hành chính của Công ty phát triển Khu CN Hải Phòng-Nomura. Anh Bùi Đình Nhất, Phụ trách nhân sự của Công ty lúc đó, là một người rất công tâm. Anh mời tôi sang nói chuyện, OK.. sau đó tôi được Ban giám đốc phỏng vấn. Tôi còn nhớ rất rõ, khi đó anh Nhất giới thiệu tôi với Hội đồng phỏng vấn: “Đây là anh Khang, ở tổ chức Quỹ nhi đồng quốc tế”. Thì ra, bây giờ tôi vẫn thấm thía, cái tên công ty cũ của bạn cũng quan trọng lắm, nếu nó là một Brand! Thế rồi, làm ở công ty liên doanh với Nhật này một thời gian thì tôi chuyển lên Hà Nội vì lý do gia đình. Ban đầu tôi cũng có gặp phải vấn đề văn hoá với “bác” Phó Tổng người Nhật, nhưng sau đó cũng quen dần và thấy anh ấy cũng tốt bụng. Tôi vẫn nhớ, thỉnh thoảng TGĐ, Sir Takekawa, đi tới từng bàn làm việc thăm hỏi nhân viên. Ông vỗ vai, vỗ cánh tay nhân viên, cười nói, tỏ thái độ thân thiện. Thật là khéo! Bình thường chúng tôi rất ngại vào khu vực làm việc của TGĐ.
Với tôi, tuy quá trình học tiếng Anh có nhiều giai đoạn và không phải là “chính quy”, song do nỗ lực của bản thân cũng như có điều kiện thực hành, áp dụng, nên tôi đã có thể sử dụng tiếng Anh rất hiệu quả vào công việc, đặc biệt là viết văn bản bằng tiếng Anh. Một bằng chứng là sau này tôi đã có gần 10 năm “khá trôi chảy” làm Chánh văn phòng ở một tổ chức phi chính phủ lớn của Anh.
Có thể do bản thân chỉ mang bằng cử nhân tại chức tiếng Anh mà vẫn có khả năng sử dụng tiếng Anh tốt, nên khi làm công tác tuyển dụng, tôi không phân biệt ứng viên mang bằng chính quy hay tại chức. Vậy đó, nếu bạn học một cái gì đó thì phương thức học, giảng dạy là không quan trọng. Điều quan trọng là bạn phải cố gắng để đạt được kết quả cao nhất có thể! Tôi cũng hy vọng các cấp quản trị, khi tuyển nhân sự, có sự nhìn nhận công bằng đối với các loại hình đào tạo.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment